Mua xe hơi ở Việt Nam – đừng trông chờ chính sách
Câu hỏi mà hầu hết người chưa có ôtô đặt ra vào giờ này là “Đến 2018 giá xe có giảm?”. Người người phán đoán, phân tích, nhìn sang láng giềng để rồi thả những câu cảm thán chán chường quen thuộc. Dân Indonesia mua xe giá 9.000 USD, người Ấn Độ chỉ bỏ ra 5.000. Người Thái mua rẻ bằng 70%. Bao giờ Việt Nam được vậy.
Tất cả đặt kỳ vọng vào cam kết AFTA, ở đó thuế nhập khẩu giảm về 0% năm 2018. Cái số “0%” rất ấn tượng, gây nhiều hưng phấn và ảo giác, nhất là ở nơi thuế toàn tính theo đơn vị chục.
“Thuế không phần trăm, phải khác chứ, chắc chắn giá sẽ rẻ”, những người lạc quan tin vậy.
Tôi thấy vui vì hóa ra vẫn còn rất nhiều người có niềm tin. Riêng tôi đã không còn tin vào cách làm chính sách giá xe ở Việt Nam nữa.
Những người “mất niềm tin” hẳn còn nhớ sự kiện xe cũ năm 2006. Khi đó chúng ta mở cửa cho xe đã qua sử dụng tràn vào. Hy vọng le lói. Xe cũ, giá rẻ hơn. Sẽ cạnh tranh với xe mới liên doanh và như thế người tiêu dùng hưởng lợi.
Khắp các diễn đàn, đâu cũng bàn tới “tương lai xe cũ”. Nó được đặt một vai trò như gáo nước lạnh dội vào đầu xe mới. Gì chứ xe cũ Mỹ rẻ lắm. Năm mười ngàn đô là có chiếc chạy tốt rồi. Không ít người hình dung Việt Nam giống Campuchia, nhà nhà có xe. Ước mơ “xế hộp” sắp thành hiện thực.
Nhưng tới khi công bố thuế xe cũ, nhận nước lạnh hóa ra chính là những người “có hy vọng”. Ngoài thuế nhập khẩu tuyệt đối tính theo dung tích, xe cũ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và GTGT…như xe mới. Thế thì còn gì là…cũ?
Hẳn nhiên, ôtô “năm mười ngàn đô” không bao giờ có mặt. Kia Morning bé tẹo, cũ rích mà giá thấp nhất cũng 15.000 USD. Còn những Camry, Accord thì phần đông không bao giờ với tới.
Ước mơ xe giá rẻ tan biến nhanh như thế đó.
Năm nay, câu hỏi”xe giá rẻ” lại xuất hiện. Nhưng tôi khuyên các bạn đừng mơ. Như những gì tôi viết ở bài “Đừng mơ xe giá rẻ”, cho đến khi nào ôtô được bỏ khỏi danh mục mặt hàng “cần hạn chế”, nghĩa là nó không còn bị đánh thuế TTĐB thì mới có cơ may thành hiện thực.
Bằng không, các cơ quan quản lý sẽ có cách để nó là chùm nho xanh mãi không chín.
Giá có thể giảm, dĩ nhiên, nhưng nó không giảm theo tốc độ thuế. Mà theo ý chí người làm chính sách. Mà họ thì nổi tiếng “từ từ” khi giảm, bởi giảm nhanh quá dễ làm chúng ta…sốc.
Làm việc, làm việc và làm việc để mơ về cái gì đó cũng là cách tạo động lực. Chỉ buồn một điều là không biết làm đến bao giờ thôi.
Nam Nguyễn