Khách hàng đi Everest 2022 sẽ phải làm quen với loại dung dịch mới là AdBlue, có tác dụng làm sạch khí thải.

Trên Everest 2022 thế hệ mới sắp giao xe đến khách hàng vào giữa tháng 8 tới, bên cạnh họng tiếp nhiên liệu dầu, hãng trang bị thêm một họng tiếp dung dịch AdBlue. Vậy AdBlue là gì và vì sao Ford trang bị cho các xe máy dầu của hãng?

AdBlue là hợp chất không màu, có thành phần 67,5% từ nước và 32,5% urê, không độc hại khi tiếp xúc với da người (tuy vậy không được uống, tránh tiếp xúc với mắt và trẻ em). Bộ xử lý xúc tác SCR của xe phun trực tiếp dung dịch AdBlue vào dòng khí thải, phản ứng hóa học xảy ra làm lượng khí NOx (NO, NO2) ra môi trường giảm.

Dung dịch AdBlue được phun vào đường ống thải, vị trí phía trước bộ xử lý xúc tác SCR, tức không tham gia vào quá trình đốt nhiên liệu. Vì thế hai họng tiếp dầu và AdBlue tuy sát vị trí nhưng không liên kết với nhau (không đổ AdBlue vào bình dầu và ngược lại).

Đại diện Ford cho biết, dung dịch AdBlue làm giảm lượng NOx, nhờ đó giúp xe đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải mức 5 (tương đương Euro5) đối với các xe mới bán ra tại Việt Nam từ 2022, áp dụng cho cả xe lắp ráp trong nước và nhập khẩu.

Nếu không có AdBlue, với động cơ hiện hữu trên Everest, chuẩn khí thải của xe chỉ dừng ở Mức 4 (Euro4). Động cơ của Everest tương tự thế hệ cũ, gồm máy dầu 2.0 với hai tùy chọn: tăng áp đơn và tăng áp kép.

Ford Việt Nam nói thêm rằng, bình chứa AdBlue trên Everest (xe mới bán ra đều đã đổ sẵn) dung tích 18 lít. Lượng AdBlue này tương đương với quãng đường lăn bánh khoảng 10.000-15.000 km, tùy vào điều kiện sử dụng của khách hàng. Tức tương đương một năm với tần suất sử dụng trung bình. Ở mức từ 2.500 km (tầm hoạt động tương ứng của AdBlue trong bình chứa) trở xuống, xe hiện thông báo tiếp AdBlue trên đồng hồ kỹ thuật số sau tay lái.

Nếu xe đang chạy, dung dịch AdBlue hết, xe vẫn hoạt động bình thường. Nếu hết AdBlue, xe tắt máy (khi dừng, đỗ), động cơ sẽ không thể khởi động lại. Nếu trong trường thực sự khẩn cấp, chủ xe có thể dùng nước thay AdBlue, giúp động cơ khởi động lại và di chuyển đến đại lý để đổ thêm AdBlue (tối thiểu 5 lít, động cơ khởi động). Tuy nhiên, Ford Việt Nam luôn khuyến cáo không nên dùng nước hoặc loại dung dịch nào khác (không cùng thông số) thay AdBlue để sử dụng, bởi có thể làm hỏng bầu lọc khí thải của xe.

AdBlue có bán tại các đại lý của Ford với giá 55.000 đồng/lít, tức 990.000 đồng khi đổ đầy bình. Chủ xe có thể mua AdBlue với thông số tương tự ở các trạm xăng, dầu, garage, cửa hàng tư nhân với giá bán đa dạng, dao động khoảng 20.000-40.000 đồng/lít hoặc hơn, tùy thương hiệu.

Everest 2022 lăn bánh tại một ngọn đồi ở Ninh Thuận. Ảnh: Ford Việt Nam

Everest 2022 lăn bánh tại một ngọn đồi ở Ninh Thuận. Ảnh: Ford Việt Nam

Tại châu Âu, thị trường hiện áp dụng mức Euro6, AdBlue đã được sử dụng từ 2016 như yêu cầu bắt buộc đối với các xe chạy diesel. Còn ở Việt Nam trước 2022, Chính phủ chỉ áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 nên các xe diesel không cần nạp loại dung dịch này.

Từ 2022 khi Việt Nam áp dụng mức Euro5 cho ôtô mới bán ra, dung dịch AdBlue mới xuất hiện trên xe diesel. Riêng mảng xe con, hiện chỉ có Ford sử dụng trên Everest.

AdBlue chỉ là một trong nhiều cách để giúp luồng khí thải ra khỏi xe đạt tiêu chuẩn khí thải mức cao hơn trước đây. Có những cách khác để tác động như điều chỉnh phần cứng, phần mềm cho phù hợp. AdBlue là một cách đơn giản và hiệu quả.

Trên thị trường hiện nay, nhiều xe máy dầu như Mitsubishi TritonPajero SportNissan NavaraMazda BT-50Kia CarnivalHyundai Santa Fe… đã bán ra các phiên bản với động cơ chuẩn Euro5. Những xe này không dùng dung dịch AdBlue.

Trên thế giới, từ nhiều năm nay, ôtô động cơ dầu sử dụng bộ xử lý xúc tác SCR cần thêm dung dịch xử lý khí thải (DEF) để giảm lượng NOx ra môi trường. Tuỳ vào mỗi hãng, tên gọi của hệ thống này khác nhau. Tập đoàn PSA (sở hữu Peugeot, Citroen, DS) gọi là BlueHDI, với Daimler AG (hãng mẹ Mercedes) là BlueTec, Ford và một số hãng khác dùng AdBlue, tên gọi được đăng ký bản quyền bởi Hiệp hội công nghiệp ôtô Đức.